Bài viết này là phiên bản cặp bồ cặp bịch với bài viết trước - 13 thành tựu năm con Mèo. Sẽ thiệt là niểng nếu tổng kết năm mà chỉ kể mặt mượt mà mà chừa ra những mặt khác. Thì ở đây, mình muốn điểm danh lại những món mà mình, trước thềm một thập kỉ mới của cuộc đời, trong bối cảnh đời sống thành thị hiện đại, vẫn còn đang loay hoay, gần như mỗi ngày. Bạn đọc thử coi có cái nào giống giống hoặc đã từng hông?
1. Lướt lướt
Mình vẫn lướt mạng xã hội nhiều lắm á. Mình không đăng nhiều, hay còn gọi là không đăng gì, nhưng mà mức độ thu nạp nội dung một cách thụ động đang rất báo động với mình. Khổ nỗi, mình tìm thấy nhiều niềm vui và sự đồng cảm trên mấy cái reels khùng, nhất là của bọn nước ngoài. Các sự lướt lướt cũng là một cái liều thuốc giãn não quá là tiện đi. Khi căng thẳng, sau giờ dạy học chẳng hạn, mới từ một cuộc hẹn hơi tốn pin về chẳng hạn, lướt đại một cái gì đó vẫn mang lại cảm giác dễ chịu tức thời hơn là mấy cái "chán chán" như đi bộ hay thiền. Chưa kể, reels khùng cũng cho mình nhiều thứ. Mình được học từ mới này, nắm được mấy cái trends, tha hồ giỡn hớt với mấy đứa cũng tiêu thụ reels bằng ngôn ngữ đó. Nhìn chung là vui chứ không phải không. Nhưng mình có ước là mình được giảm và giới hạn lại cái phần này. Nếu nhu cầu kết nối, nhu cầu mở mang, và nhu cầu được nhìn thấy, được đồng cảm cao đến vậy, mình có thể tìm được một cách nào đó vật lí và toàn-cơ-thể hơn là chỉ dùng mắt, và ở một góc phòng. Chưa kể, đã ăn thực phẩm không lành mạnh nhiều mà không có kênh "thải", thì cũng bị trữ béo dữ, nguy hiểm lắm cho cái não bộ vốn đã có xu hướng nghĩ thật là nhiều của mình.
2. Shopping
Đồng dạng với việc lướt mạng xã hội, lướt shopee hay các ứng dụng đặt đồ ăn cũng là một thói quen mà mình nhận thấy đã hình thành trong mình, mà mình hem thích. Điều đặc biệt là, khi có công việc đi với gia đình, hay là ở ngoài đường nhiều, mình hoàn toàn không có nhu cầu đụng tới mấy ứng dụng này. Không hề luôn. Mình cảm thấy mình đủ đầy và hổng có thiếu cái gì hết. Nhưng mà, cứ về nhà và chui vào một góc mở điện thoại bấm, là thể nào một cái món đồ gì đó cũng đột nhiên trở nên cấp bách bức thiết trong cuộc đời mình, một cái khăn mặt lụa tơ tằm chẳng hạn? Mình có đời nào dùng tới? Vậy mà mình đã mua hẳn 3 cái, để dùng và để dành tặng bạn? Mình không muốn cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa tiêu dùng đâu. Mình muốn rứt ra, huhu. Mình muốn làm người tiêu dùng tinh khôn, chủ động và tỉnh táo. Săn sale rất vui nhưng mình chỉ muốn săn những món đồ tối cần thiết thui. Mình cũng muốn có thể tận dụng, tái chế, tự tay làm nhiều hơn chứ không rớt vĩnh viễn vào cái bẫy tiện dụng. Nhưng làm sao được nhỉ?
3. Tài chính, bảo hiểm, đầu tư
Mình thật xấu hổ khi thú nhận rằng, mối quan hệ của mình với tiền vẫn ở một trạng thái rất phức tạp. Mình không đang ở nơi khoẻ mạnh, dễ chịu, tự tin và thoải mái với tiền như mình mong muốn, và nó đã kéo dài trong một thời gian. Chuyện này không phải chỉ ở việc là tiền nhiều hay ít, mà nó cứ cái kiểu gì á. Mình thường xuyên cảm thấy thiếu và dần thấy mất tự tin. Tiền và chi tiêu trở thành một điểm nhạy cảm trong giao tiếp với mình, và nó đã kịp ảnh hưởng tới một số mối quan hệ. Mình sợ ghê, nhưng cũng ngán nữa. Mình không muốn đối diện với chuyện này. Mình theo học mấy khoá và đọc sách về tài chính cũng lâu rồi luôn á, nhưng lúc áp dụng thì mình thấy bản thân không được quyết tâm lắm, trừ những khi có mục đích rất rất rõ ràng như hồi cần đi Pháp hay đi đây đi kia. Thêm khủng hoảng vừa qua và mình cần ưu tiên dưỡng sức khoẻ hơn là lao động nữa, thì bức tranh tài chính có ảm đạm đi nhiều. Xong, trong những khoảnh khắc yếu lòng, mình kịp đem so sánh mình với những người bạn xung quanh mà có vẻ mối quan hệ với tiền trông lành mạnh hơn, cái rồi mình lén cảm thấy hổ thẹn sâu sắc. Mình không muốn thừa nhận chuyện này, và cũng chưa thật sự tìm được cách giải quyết thật sự phù hợp, hiệu quả và đường dài, dù mình biết mình cần hành động. Mình không biết mình đang thật sự kẹt ở đâu. Đây là một điều mà mình loay hoay dữ.
4. Công việc
Mối quan hệ của mình với công việc lại là một trạng thái phức tạp khác. Mình yêu và thích từng khoảnh khắc được ngồi với các bạn học viên. Được đi cùng các bạn ở một tốc độ phù hợp, lâu lâu rình gỡ được một cái nút thắt quyết định nào đó trên con đường học hành của các bạn, và nhìn thấy được hiệu quả rõ ràng, bền vững qua thời gian, là những điều hết sức mãn nguyện và nuôi dưỡng đối với mình. Nhưng mình vẫn tuyệt nhiên không hả họng nói về công việc mình làm. Kể cả bạn bè xung quanh cũng chỉ biết sương sương là mình dạy tiếng Anh vậy, không biết nhiều hơn. Mình không hiểu nổi, rõ ràng đây là là chén cơm của mình, và là một công việc mình đầu tư nhiều tâm sức, nhiều thời gian và nỗ lực để kiện toàn, nhưng sao lúc nào mình cũng giấu như mèo giấu 💩? Thậm chí, cả bài kể thành tựu, mình cũng không chừa một mục cho công việc luôn. Tại sao đó ta? Mình chưa tìm ra được. Một cách mô hình mà nói, mình hiện chỉ đang chú trọng vào nội dung và sản phẩm chứ không vào marketing và sale. Nhưng, sự lệch đầu tư này bắt đầu khiến mình lo lắng vì nó không còn ở trạng thái mình cho là cool nữa, mà là bị lệch kì rồi á. Lâu lâu mình bực tới nỗi muốn… bỏ quách đi kiếm việc khác làm cho rồi. Huhu. Và mình đã làm vậy thật, xong rồi sao đó cái cũng bơi về lại. Trong năm mới, mình rất muốn có thể xây dựng lại bộ nhận diện dễ hiểu, thân thiện và rõ ràng cho công việc mình làm, trả lại công bằng cho sản phẩm dịch vụ mình cung cấp. Thần kinh doanh xin hãy độ con.
5. Những câu hỏi lớn
30 tới nơi rồi. Lấy chồng hay không lấy chồng? Nghe nói hôn nhân là nợ đời dữ lắm. Không có có phải nên vui? Nhưng hình như sâu thẳm lắm vẫn mong có một gia đình? Mà đó hơi xa, bây giờ nè, sẵn sàng cặp bồ lại chưa, để kiếm? Chắc chắn là chưa hả? Muốn được độc thân vui sướng như vầy ít nhất một năm hơn nữa? Vậy rồi mốt đẻ kịp không nếu còn ham? Luống tuổi rồi là nghỉ đẻ nha, nếu kiên quyết không muốn đông trứng. Mà khó tính như vầy rồi có quầy ra một bầu trời trauma khác cho con nếu có không? Có đi du học không? Lời hứa với bản thân đồ đó. Mê châu Âu lắm hả? Vậy có tìm cách đi học hay đi định cư gì hông? Mà nếu vậy thì có thật sự sẵn sàng sống xa ba mẹ và phải nhìn ba mẹ già đi từ xa chưa? Cũng muốn sống thử với Sài Gòn hả? Bao lâu? Vì điều gì? Rồi có sẵn sàng bỏ qua bất cứ mong muốn nào trong những cái nói trên để lựa chọn như vậy không? Không làm những điều thôi thúc mình thì về sau sống có yên ổn không? MÌNH MUỐN ĐI ĐÂU CẦN ĐI ĐÂU VÀ MÌNH ĐANG LÀM GÌ VỚI CUỘC ĐỜI MÌNH ĐÂY VẬY NÓ CÓ ỔN KHÔNG VẬY CỨU!!!
6. Ghosting
Mình có một tật siêu xấu, là hoá thành con ma, mỗi khi không biết phải tham gia tiếp vào những cuộc hội thoại như thế nào, nhất là trên tin nhắn. Mình đã hoá ma với rất nhiều người, qua rất nhiều năm, kể cả với những người mình thật sự rất không muốn hoá ma và rất không nên hoá ma đó là các bạn học viên cũ… và mình rất rất rất ngại. Nhưng cứ mỗi lần mình tha mình tới trước ô chat để mà phản hồi tin nhắn đã ngâm, là cả người mình lại đông cứng như là có nguyên con sư tử đang đứng cách mặt mình 5 mi li mét.
7. Chống nắng
Dù rất nhiều giọng nói đã gào vào tai mình rằng phải chống nắng. Không chăm da bảy bước cũng được nhưng làm ơn hãy chống nắng, bắt buộc chống nắng. Nhưng mình vẫn chỉ đang chống nắng yên tâm, tức là hôm nào may mắn thì mình sẽ nhớ tới và trét một lớp chống nắng lên mặt xong rồi chỉ vậy, không hề dặm lại suốt cả ngày sau đó. Lơ là một cái, được đi chơi chẳng hạn, là mình sẵn sàng đội nắng lang thang cả ngày để ngắm trời ngắm mây. Thật là một câu chuyện kinh dị cho những con người chăm da. Nhưng mà thiệt, sâu trong lòng, mình vẫn không thật sự hiểu vì sao phải chống nắng. Dù mình cũng sợ xấu, cũng sợ bệnh, cũng sợ da một ngày nọ không còn sáng trơn nữa. Nhưng cũng không hiểu sao mình vẫn lì.
8. Rác thải và nhựa
Mình tưởng mình đã tìm được giải pháp cho câu chuyện rác thải khi nhìn thấy bạn mình phân loại rác. Rác hữu cơ bạn bỏ vào thùng để ủ phân, rác còn lại bạn hoặc tái chế hoặc cho xuống thùng rác lớn. Nhưng mà tới lượt mình thực hành, thì mình lại bị vướng lại. Mình có trồng cây mấy đâu mà ủ phân… Rồi phân loại rác trước khi đổ xuống thùng rác lớn thì cũng có ích gì đâu nếu bọn chúng rồi cũng bị trộn lẫn hết? Lại còn phải tốn thêm một túi rác. Rồi tiết kiệm này kia cho đã xong cứ mua đồ online thì bao bì với vận chuyện các kiểu là môi trường dữ chưa? Rồi mình vẫn đang không kìm được mà vẫn đang dùng cái miếng nhựa lọc rác ở bồn rửa chén á, để mắc lưới lọc thật nhỏ, an toàn cho hệ thống nước thải, nhưng mà cái đó là nhựa khó phân huỷ đó. Rồi sao đây?
—
Kể mới có bấy nhiêu mà đổ mồ hôi hột. Thở miếng rồi kể tiếp.
—
9. Thù hận
Trong khoá thiền đầu tiên trong năm rồi mình đi, tới đoạn giảng về bài thiền rải tâm từ, phần “những người tôi hận hoặc hận tôi”, Sư hỏi, “có ai ở đây không kể được ai trong phần này không?” Mình tiu nghỉu một chút rồi giơ tay. Lúc đó mình cũng đau đó, cũng giận đó, đau nhiều chứ không nhẹ, nhưng vẫn khăng khăng rằng là mình không hề muốn có bất cứ gì không hay xảy đến với những người đã gián tiếp phụ mang những nỗi đau đó đến mình. Mình vẫn thương họ, vân vân. Mình không hận họ. Sư hỏi một vài câu thêm nữa rồi kết luận, vậy là có hận nhẹ đó con. Bẵng đi nhiều tháng, khi mình có không gian an toàn để xử lí những cảm xúc sâu, mình mới thấy sự hận hiện hình. Mình trù chứ, mình nghiến răng và căm ghét. Mình có những ý nghĩ kiểu như muốn cho họ phải té, phải đau, phải quằn đúng cái mình đang trải qua, hoặc hơn, mình mới hả dạ. Thấy ghê không. Sau đó, trong khoá thiền thứ 2, vào khoảng quý 3 của năm, trong sự yên tĩnh của một ngôi chùa lành, trong từng thời thiền hướng đến chánh niệm, mình… nghe trong đầu mình toàn tiếng chửi thề không. Một tiếng sột soạt chân của người ngồi sau thôi cũng đủ chất liệu cho mình cọc, mình chửi hết nguyên thời thiền đó. Mình giật mình dễ sợ. Đó giờ mình tưởng mình lành tính… Người ta tu diệt sân chứ mình càng thiền càng khám phá ra khu rừng sân hận trong mình. Làm thế nào để không hiền lành ảo, nhưng cũng không ẩu khi mở cánh cửa sân trong lòng ra dọn dẹp, không để cháy lan thêm, là một câu hỏi khó mình vẫn đang từ từ xem xét.
10. Công chúa
Nhờ cập nhật của Ngân bạn mình về một bài chia sẻ trong chuỗi Có Hiểu Có Thương mùa 4 của MAI:tri, mình biết vụ gì mà trong tình yêu người ta có 3 phần tham gia và cần đất sống: phần nông dân chỉ đâu đánh đó, phần nữ tư tế đảm đương tầm nhìn bao quát, định hướng và sắp xếp, phần công chúa õng ẹo được chiều chuộng nâng niu yêu thương. Thì mình thấy, trong phần lớn các mối quan hệ dù là gia đình, bạn bè hay công việc, mình ở trong vai nữ tư tế, hoặc nhìn chung là rất lí trí và hướng về phía vững chãi, tỉnh táo, trưởng thành. Phần công chúa của mình rất hiếm khi ra mặt, tới mức mình từng tưởng bạn không tồn tại. Người “khai quật” được phần công chúa này trong mình phải kể tên bạn người yêu cũ. Từ ngày chia tay, mình cũng khá loay hoay trong việc tiếp oxy cho và tiếp quản vai trò chăm sóc bạn. Sau đợt yêu đương vừa rồi, chính phần công chúa và cả bản thân mình cũng không yên tâm giao bạn này vào tay ai nữa, hay kể cả là phụ. Nhưng, một mình mình chơi với bạn thì cũng không xuể lắm. Và mình thấy được, việc công chúa không được ra mặt và chăm sóc đầy đủ, thường xuyên cũng đã có ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác. Ví dụ, có những lúc mình chỉ muốn nói thôi, không muốn nghe nữa, và đâm cáu bẳn với bạn thân khi thấy bạn ấy cũng đang cần được nghe… Hay như khi mình phải xắn tay áo, đàn ông lên để chở em mình băng qua các con dốc Đà Lạt, mình đâm bực mình vì ủa mắc gì giành váy tao vậy, tao cũng muốn được làm công chúa mà… Vậy đó.
11. Hài hoà
Đầu năm mới, được rủ đến khai trương Thường Nhật, mình được bốc một lá trong bộ thẻ bài dễ thương, thông điệp là “Hài hoà”. Mình có thấy thích thú. Làm sao để chung sống, để thở đều đi qua những xung đột mà vừa không mất mình, không lẹm vào những vùng ghẻ của mình, vừa dung chứa được người kia một cách đủ đầy, tôn trọng, thấu hiểu, thì là một câu hỏi vốn luôn thử thách và gây tò mò với mình. Mình có nói một hồi nào đó, mình không muốn làm một hành tinh cô độc. Mình cần người. Người, mình đoán, chắc cũng cần mình? Mình muốn là một phần của dòng chảy. Nhưng đôi khi mình cũng ngộp trong chính dòng chảy và cũng cần thu về để chăm sóc cho mình, theo cái cách mà mình không muốn giải thích ra ngoài nữa vì mệt, nhưng mình thì cần. Đó. Năm mới, làm sao tiệm cận hơn với sự hài hoà, chan hoà hơn mà vẫn khoẻ?
12. Áp lực người lớn, chị lớn
Từ nhỏ mình đã sợ mất ba mẹ. Có lần, sau khi bốc một cây kẹo giữa một mâm kẹo cho những bế bi lớp mầm, bế bi mình tự nhiên đã đứng khóc ngon ơ vì không nhớ là tự hỏi hay có đứa khùng nào hỏi: “Nếu không còn ba mẹ nữa thì mình sẽ làm gì?” Trời ơi lớp mầm luôn đó lạy Chúa tha cho con nhỏ. Nhưng nỗi sợ đó vẫn luôn ở đó trong mình, như nước, như không khí, lâu lâu bận rộn thì tạm quên, chứ mà rảnh ra một cái là sẽ rõ mồn một.
Năm rồi, mình bắt đầu hỏi ba mẹ về những nguyện vọng nếu ba mẹ không còn nữa, để sau này biết đường. Mình bắt đầu tham gia, dính líu nhiều hơn vào tương quan với những thành viên của gia đình lớn. Họ hàng. Nội ngoại. Những công việc mà trước đây né được là mình sẽ né sạch sẽ. Đó là phần lí trí của mình đã hành động để lấy lại quyền làm chủ trước nỗi sợ, nhưng cũng chỉ được phần nào. Bạn nhỏ bên trong mình vẫn rất sợ, và vẫn sẽ rất dễ khóc với ý nghĩ đó.
Chưa kể, mình thường sống như bị ma dí, ma deadline. Mình muốn ba mẹ sớm được nghỉ ngơi, mình muốn ba mẹ được đi Nhật chơi, mình muốn lo tốt cho ba mẹ nếu lỡ có chuyện gì xảy ra. Nhưng mà, quành lại điều số 3, tài chính mình còn chưa lo ổn được cho mình, và mình còn chưa muốn nghiêm túc làm thẳng lại mối quan hệ của mình với tiền, thì nói gì tới những chuyện to lớn này vậy.
Mình vừa muốn vẫn có không gian để phần trẻ con trong mình được tiếp tục bung xoã, được thử sai, được thong thả lớn hữu cơ. Muốn phần người vừa lớn trong mình có thể bước chậm rãi trên con đường rắn hoá và thực thi từng ý tưởng, dự định. Nhưng mình cũng vừa sốt ruột muốn ướm cho vừa vai người lớn lẹ đi để lỡ có gì… Đó, quằn dữ chưa. Muốn dữ vô… 😟 Bởi vậy cái Tết rồi mình cũng cọc ngang khi thằng em mình hồn nhiên đụng cái chuyện gì của nhà cũng ngơ ngác “Ủa vậy hả, em hông biết???” MÀI KHÔNG BIẾT CHỨ GIỜ TAU PHẢI BIẾT RỒI ĐÓ LÀM ƠN BIẾT CHUNG ĐI BỚT KHÔNG BIẾT LẠI!!! Tội nó… Mà cũng tội chị nó…
13. Sự hỗ trợ
Mình đang làm tốt hơn, nhưng cũng vẫn còn lóng ngóng lắm trong việc hỏi nhờ sự hỗ trợ. Kể cả khi sự hỗ trợ là sẵn có, mình cũng chật vật trong việc nhận hỗ trợ. Mấy điểm trên kia đã quá nặng, nên thôi điểm này nói đến đây thôi… À vậy sẵn cộng thêm một cái phụ vô mục này nữa, là mình cũng đơ trước sự xoành xoạch của thế giới. Mình tới giờ còn chưa xài thử ChatGPT nữa đó. Kì. Mình cũng không dám đọc tin tức về chiến tranh Palestine luôn. Mình dí không có kịp những biến đổi khùng điên ngoài kia. Mình lạc quẻ quá chưa…
—
Phù, lại thở hắt ra một cái.
Ai mà đọc hết bài này, mấy bạn cũng giỏi quá ha? Chứ kể thấy mệt…
Mình đã có lòng điểm danh công khai, mong bạn cũng có lòng đừng quánh giá, huhu, mình sẽ buồn.
Ai nhắm cứu được món nào trong những món kể trên phụ mình với hông? Cứu theo kiểu cứu thiệt á chứ hổng phải “đừng buồn nữa hãy vui lên”, “đừng lo lắng sống cho hiện tại là được”, “sống hồn nhiên cho đời bình yên đi em” đồ…
Nếu hông, cảm ơn bạn đã đọc nha. Nếu bạn đồng cảm với bất kì món nào kể trên thì bắt tay, chúng ta cùng hội cùng thuyền này. Còn nếu bạn đồng cảm với nhiều hơn 8 món ở trên, thì ủa, xin chào đồng bọn overthinker và perfectionist, bạn sống ổn hông? =))
Vậy đó. Hẹn gặp lại!
—
Chúc bản thân mình thả lỏng, nhẹ nhàng đi qua từng khoảnh khắc. Kể ra thấy nhiều vậy chứ chắc hỏng sao đâu. Thương thương. Chúc mình mở lòng và tin tưởng. Chúc mình dám quyết định khi đủ hoặc mém đủ thông tin. Chúc mình vẫn cười được nhe răng và khóc tu tu những khi cần thế. Chúc mình bình tĩnh, hồn nhiên và mạnh dạn sống. Chúc mình cho phép. “Đừng cố sức, em vẫn đang làm tốt.” La là la la lá. Tình yêu 🌱
Yorumlar