top of page
  • Writer's pictureRosie

22.000 bước chân

Updated: Sep 8, 2023



Là số bước chân hiện lên trên màn hình điện thoại tôi tối cuối cùng ở Ý, hay ở châu Âu, trong lần ghé thăm châu Âu vừa rồi. Hôm đó là hôm chân tôi được rải bước trên tận 3 thành phố của Ý một lần, 2 trong số đó quá trời là nổi tiếng.


Ờ thì tôi vừa được đi châu Âu. Chuyến đi này đến với tôi bất ngờ, tới nỗi đi về rồi mà giờ tôi cũng vẫn còn chưa hiểu. Trước đó, ước mơ thầm kín sẽ quay lại châu Âu của tôi, tôi cất nó ở trong lòng sâu hút, không hề nghĩ nó sẽ trồi lên hiện thực nhanh vậy. Nhất là khi từ đầu năm tôi đã chuẩn bị tinh thần - theme năm nay là vụn vỡ nốt, rồi lành được nhiêu lành, chứ phép màu nào mà tôi hốt xác được mình về chứ đừng nói là rinh được nó tới tận châu Âu? Thôi thì nói một cách tiện lợi là phép màu đã xảy ra đi nhỉ? Và tôi được ghé lại châu Âu yêu quý của trái tim mình, dù không hơn lần trước về số ngày, nhưng mà tình yêu không quan tâm đến con số, có lẽ vậy?


Tôi yêu việc đi bộ vô cùng, phải gọi là vô cùng. Tôi mê đi bộ lắm. Gần hai năm ở vùng biển miền Trung đẹp mê đắm cho tôi sự giàu có của không gian và những dải cát dài để đi bộ gần như bất cứ khi nào tôi thích, bất kể bao xa tôi thích, và đây chắc là một trong những yếu tố khiến tôi nặng lòng thương nhớ mãi nơi này khi cơ thể vật lí không còn ở đó nữa. Thì, châu Âu cho tôi một sự bù đắp, dù rất tạm thời và thoáng qua, không hề kém cạnh (và dù mọi so sánh là khập khiễng). Những con đường đá trải dài làm cho tim và chân tôi vui đến nỗi tôi chẳng còn để ý đến gì nữa cả. Sơ hở là tôi nhào ra đường đi dạo. Đi siêu thị này, đi biển, đi trung tâm thăm nhà thờ lớn, đi lượn vòng window shopping hoặc shopping thiệt. Đi đâu cũng được, miễn là tôi được đi dạo và tròn mắt ngắm nhìn mọi thứ xung quanh.


Thành phố đầu tiên tôi ở trong chuyến này là Rostock, Đức. Thành phố xanh rì, nghe bảo là từ rừng mà ra. Dù là rừng vậy nhưng mà phương tiện công cộng cũng đã kịp phát triển đầy đủ hết. Thế là tuỳ, tôi thích đi bộ trọn gói thì đi, thích trèo tàu trèo buýt đi đâu xa hơn cũng được nốt, thậm chí đi xe đạp cũng được luôn nha. Luôn có cái để tôi nhìn - cây xanh thắm xanh cũng có mà những toà nhà cổ kính cũng có mà biển cũng có và người dẫn chó qua lại qua lại thì càng có. Thiên đường của tôi rồi chứ còn cái gì nữa? Ngày đầu đến, tôi đã rủ người bạn mình thả bộ ra biển. Biển Baltic đồ. Bạn tôi có chút ngần ngại vì khi hỏi đường, ông chỉ đường thả kèm một cảnh báo: “Sẽ xa đấy nhé!” Tôi cóc sợ luôn, hăm hở luôn phần của bạn mình. Tôi còn quay lại cung đường đó một vài lần nữa. Và dải cát trắng ngần và những chiếc ghế ngồi tự bỏ tiền xài lạ lẫm và bọn hải âu ồn và những người mải mê chơi những môn thể thao biển tôi mê như lướt sóng, như dù lượn không hề làm tôi tiếc công đi dạo những bốn mươi lăm phút một chiều để đến. Khi tôi ở đó, trời lạnh. Nhưng lòng tôi ấm nóng một niềm hân hoan với thiên nhiên, với đất trời, với từng điểm chạm của chân tôi và mặt đất, của mắt với bất cứ thứ gì nó thu vào. Tôi cứ đứng vậy thôi, hoặc ngồi vậy thôi, hoặc bước đi vậy thôi, trong đầu chẳng nhiều suy nghĩ, tôi thấy tôi là một phần hiển nhiên của khung cảnh. Điều đó cho tôi một cảm giác nhẹ tênh. Tôi thậm chí có thể bay lên, hoặc tan ra luôn nếu cần phải vậy, tôi thấy mình không phiền điều đó một chút nào hết.


Rồi tôi bị lạc tàu ở Paris. Hmm, trước đó thì tôi có được ghé thăm Làng Mai ở Bordeaux nữa đấy, ngầu không, tôi thấy ngầu hết biết. Nhưng mà tôi muốn kể về việc tôi đi lạc tàu ở Paris. Không hiểu sao tôi có thể lạc tàu ở Paris, mà lạc hoài! Lần này tôi náu lại Paris 3 ngày, mà hết 2 ngày tôi lạc tàu. Tôi vừa chán tôi lắm, vừa thấy chẳng còn cách nào để tôi làm quen với Paris một cách trực tiếp hơn. Nhưng Paris hay ở chỗ, dù có lạc ì xèo, tôi vẫn kịp nhìn ngắm được thật nhiều, thật nhiều. Và tôi vẫn cảm thấy cái khí của Paris, loại khí người thích người ghét, kịp chảy vào phổi tôi mà hô hấp. Tôi thấy bước chân mình dù có vội vã hơn những khi dí tàu, đổi tàu trong hồi hộp, thì chung cuộc tổng số bước chân cuối ngày vẫn là một con số làm tôi hài lòng, gật gù chấp thuận. Bảo rồi, miễn là cơ thể tôi được chuyển động, miễn là chân tôi được bước đi, lâu lâu vô nghĩa xíu tôi cũng không màng. Có một bạn nữ người Trung Quốc đã anh hùng giúp tôi khi tôi lạc tới lần thứ 4 ở cùng một line metro. Tôi không chánh niệm được lắm khi trò chuyện cùng bạn trên đoạn đường ngắn bọn tôi đi cùng nhau, nhưng tôi nhớ bạn nói: “Tôi ghét Paris, nhưng tôi vẫn sẽ cứ ở Paris.”




Sau đó tôi nhớ mình đã đi ngang qua lại làng Colmar xinh đẹp, một ước mơ thành sự thật của tôi hồi 2019, quay lại có chút tự hào, thương quý và bồi hồi. Rồi tôi còn được nhúng thân mình vào Thuỵ Sĩ nức tiếng đẹp mê li và đắt đỏ - cả hai nhận định tôi đều không tranh luận gì sau khi tự mình nếm qua. Đó, rồi tôi thấy mình ở Ý, cụ thể là Milan.


Chiều hôm đoàn chúng tôi đến với Milan, đặt chân được đến trước toà Duomo lộng lẫy tráng lệ hay một loạt các tính từ tương tự dù xếp hàng hết ra cũng không lột tả được đầy đủ ấn tượng mà công trình kiến trúc lịch sử ấy để lại khi chạm vào ánh mắt và chạm vào tâm hồn tôi khoảnh khắc nhà thờ hiện ra. Chiều nắng cháy 42 độ C (tưởng tượng được không trời đất, châu Âu 42 độ C), nhưng thay vì chạy đi kiếm kem, tôi khi không muốn đứng trước nhà thờ để nhìn tiếp, nhìn tiếp, nhìn cho đến hết thời gian cho phép ở đó thì thôi. Dù tôi không thôi, tối đó khi đoàn đã về phòng đi ngủ, tôi lại đi dạo là đà vài trăm mét, trèo lên tram, quành ngược lại ra đó và ngồi nữa, ngắm nữa cho đến tận khuya mới đi về. Thật ra khi ngắm thì tôi ngồi hướng về quảng trường chứ không hướng về Duomo, tôi cứ ngồi, vừa ngồi vừa thở. Lâu lâu ngoảnh đầu lại, giật mình, tán thán và trầm trồ ngưỡng mộ trong đầu như thể phút đầu tiên được nhìn thấy, rồi lại thẳng đầu lại hướng view quảng trường. Một đêm no.


Sau đó thì đoàn đi Venice. Venice không để lại ấn tượng trong tôi nhiều lắm, chắc vì tôi hổng ưng bộ đồ mình mặc hôm đi Venice đến vậy. Hừ. Và tôi vẫn còn tẩn ngẩn đếm từng cái bẫy du lịch mà tôi đã tình nguyện rớt vô gọn lỏn khi ở đó, điều mà phiên bản du lịch tinh khôn và tiết kiệm trong tôi cảm thấy hết sức là phật lòng. Nhưng ngày cuối cùng, tôi được đi Florence, trên đường về ghé cả Padua và đêm khuya về lại Venice thì còn đi bộ thêm một cây rưỡi nữa mới về đến nhà, nên mới bảo, vị chi 22.000 bước chân cho 3 thành phố của nước Ý trong một ngày quả là một chiếc nơ đóng gói hoàn mỹ cho chuyến đi của tôi.



Lẽ ra tổng số bước chân của tôi đã không phình ra đến vậy nếu không nhờ thành phố Padua/ Padova diệu kì - thành phố tôi tạm gọi là thành phố của Bảo. Bảo là Tony, người bạn từng cùng tôi khám phá Hong Kong mà trên blog này cũng từng có bài kể. Đêm sụp đổ tháng 10 năm ngoái của tôi, một cách hay ho sắp đặt nào đó mà nó bốc điện thoại tôi gọi. Đêm đó nó bảo tôi á là, mày đi qua đây đi, tao cho mượn cái nhà nằm khóc. Lúc đó tôi vừa nghĩ vừa chửi nó khùng, làm như visa dễ, làm như tao đang giàu, làm như tao đang có sức đi xa nhà, trong khi đó đang là cao điểm tôi khóc thương cái nhà tôi còn chưa nỡ rời xa. Vậy mà tháng 8 năm sau tôi có mặt chình ình ngay cái thành phố đó, dù chỉ trong một ngày, à không, một buổi tối vắn. Mỗi tội, lúc đó Tony nó tót đi Croatia chơi rồi, nó không ở đó tiếp con bạn nó như nó từng rủ. Là bạn bè dữ hông?


Nhưng tôi vẫn nhắn Tony khoe, và nó cùng tôi rú lên trong điện thoại, haha. Nó pin cho tôi mấy cái chỗ cần phải đi, chỉ tôi chỗ nào ăn pizza ngon và cả chỗ uống nước spritz gì đó nổi tiếng vùng này. Tôi vừa xuống ga từ Florence thì đã lập tức lao nhanh tới chỗ trường nó học vì bản đồ bảo 8h chỗ đó đóng cửa mà lúc đó đã là 7h30 rồi. Tôi kịp check in cùng bản mặt nhờn bóng, môi không còn son, tóc tai xẹp lép, mồ hôi mồ kê của tôi ở giữa trường của nó. Rồi tôi tiến đến tiệm pizza. Nghe lời Tony, tôi không ngồi lại trong tiệm để không bị tính 2, 3 euros gì đó phí phục vụ, chỉ để hối hận ngay sau đó vì huhu một mình ngồi ghế đá ăn cái pizza gấp 5 lần bản mặt giữa một thành phố xa lạ đêm tối thật là một trải nghiệm không mấy ôm ấp con tim huhuhuhu. Sau đó nữa thì dù Tony ra sức cản, tôi vẫn đã kiên quyết đi đến check in ở cái nhà của nó. À chính xác là trước cửa nhà nó. Tôi chụp hình cái bảng tên có tên nó, không nhấn chuông vì lịch sự, và vì không kiếm được giấy bút để gửi cho nó cái gì hay ho, tôi thả cái bill pizza có ngày giờ tôi ghé thăm Padova vào hòm thư chung, hi vọng ông chú nào sáng hôm sau không chửi rủa quá sâu vì bà cha đứa nào xả rác. Với lời nhắn ngầm: “Tao đã tới mượn nhà khóc như mày từng rủ, mà mày đâu?”


Tôi về lại ga Padova để mua vé tàu về Venice khi trời đã khuya lắc lơ. Thẻ visa của tôi đã bị khoá từ một lần cà nào đó, điện thoại còn 1%, và máy bán vé không nhận tiền mặt. Tôi đứng thộn trân ở đó tầm vài mươi giây thì có một bạn người Ý đi ngang. Bằng bản năng sinh tồn được tôi luyện của mình, tôi chìa mặt ra nhờ giúp đỡ. Bạn không mất giây nào để nhảy vào giúp tôi. Tôi có được vé của mình nhờ bạn cà thẻ bạn giúp còn tôi chìa xu cho bạn, sòng phẳng. Nhờ sự giúp đỡ của một bạn khác nữa mà tôi định vị được platform tôi cần đứng. Tôi ngồi không dám ngủ trên tàu, tranh thủ còn xíu pin tra trước đường xe buýt và đường đi bộ cần đi khi về tới Venice.


Tới Venice rồi, định vị được bến xe buýt, tôi phi ngay ra đó và… nhìn thấy bạn nam giúp tôi lúc nãy đứng sừng sững. Ố, bọn tôi lại chào hỏi nhau bối rối. Còn 3 phút nữa là xe buýt tới, tôi hỏi bạn chỗ mua vé, bạn chỉ sang đối diện. Tôi hỏi bạn là nó có chịu tiền mặt không, bạn cho rằng sáng nay khi bạn thử thì có. Tôi hỏi một câu không hẳn là câu hỏi rằng bạn nghĩ là 3 phút có kịp cho tôi mua vé không, bạn gật đầu. Thế là sự liều mạng của tôi được kích hoạt. Tôi băng thẳng qua bên đường, mua vé pặc pặc, rồi băng thẳng về đường bên này, hức, không theo một cái vạch qua đường nào cả. Về tới nơi tôi chả thấy bạn đâu nữa. Chưa kịp thắc mắc thì thấy bạn đang từ tốn qua đường trở lại từ phía đối diện. “Đừng nói với tui là bạn qua đó để giúp tui đó nha?” “Chứ gì, tui qua để lỡ máy không nhận tiền mặt thì tui còn có mặt. Mà sao bạn lẹ dữ?”


Bọn tôi lên cùng chuyến xe buýt. Trò chuyện một chút trên chuyến xe nửa đêm mà còn đông hú hồn, tôi biết bạn là người ở Venice, vừa sang Padova để làm một buổi huấn luyện về chèo thuyền. Bạn kể rất hăng say cho tôi gì đó về teamwork, về nhịp nước, về sự đồng điệu, về kĩ thuật, thậm chí có đoạn đã nhắc tới thiền, nhắc tới tầm quan trọng của sức mạnh tinh thần, pain exposure vân vân, rồi bạn cũng tự dừng lại và bảo là thôi, tau không muốn là người nhàm chán cứ huyên thuyên mãi về một thứ. Rồi bạn hỏi tôi xuống trạm nào, tôi bảo là theo bản đồ thì tôi cần đi 4 trạm là tới. Bạn bảo tôi mở điện thoại lên coi lại thử, tôi nói nó chỉ còn 1% thôi. Bạn vừa lắc đầu, vừa cười, vừa tự động mở điện thoại của bạn lên và check giúp tôi. Có đoạn tôi mon men mở điện thoại lên check cùng thì bạn bảo, thui, để dành chút pin cuối cùng đó để lát nữa đừng lạc, chứ lát nữa khum có tui đâu. É, dễ thương dị.


Bọn tôi kịp hỏi tên, bắt tay và chào nhau trước khi tôi xuống xe. Ngoài ra không có một thông tin liên lạc nào được giữ lại. Tôi dựa dẫm vào 1% pin cuối cùng của mình để đi bộ một cây mấy đó về tới khách sạn. Chưa muốn lên phòng vội, tôi vào quầy bar order một li spritz, li cồn nổi tiếng của vùng trước đó Tony giới thiệu mà tôi làm biếng quá đã không đi kiếm. Hoá ra nó cũng ngon à nha.


Và 22.000 bước chân là như vậy đó.


Cảm ơn mọi mối duyên lành đã dẫn tôi đến đây. Cảm ơn châu Âu. Cảm ơn gia đình và bạn hữu. Cảm ơn những người đồng hành.


Cảm ơn vì đã đọc, đã dõi theo, âm thầm hoặc ồn ã. Cảm ơn những tin nhắn tôi còn chưa kịp trả lời.


Much love and till next time,



P/s: Tôi chưa kịp kể về Florence, nhưng Florence cũng đẹppppppppp vô cùnggggggggggggggggggg.

142 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page