top of page
Writer's pictureRosie

Đọc Con đường Hồi giáo, nghĩ cây bạc hà

Updated: Jun 8, 2021


Photo by Francesco Gallarotti on Unsplash
đây là bìa sách nè

Dịp 30/4 - 1/5 vừa rồi mình có tình cờ va phải một quyển sách hay. Mình biết cuốn này đã lâu nhưng tới lúc đó mới có một cái cớ đủ click để lao vào đọc. Đọc xong mình có kể lên MindTriibe những những phản ứng hoá học mà những câu chữ, câu chuyện của tác giả Nguyễn Phương Mai đã khuấy lên trong mình. Mình chưa vội khoe lên blog vì thấy có một ít thứ cần làm, như là tìm cách dịch những từ tiếng Anh trong lúc cao hứng đã tuôn quá mạng ra qua tiếng Việt cho thống nhất, lọc bớt ít suy nghĩ hơi riêng tư, chủ đề hơi nhạy cảm hoặc những đoạn loay hoay hơi vòng vèo. Nhưng, như thường lệ, mình tìm được ít động lực thật sự để làm việc đó. Nên đây nghen, mình trải ra đây bản chỉ mới được che chút ít. Nếu bạn có thể bỏ qua những điều có khả năng gây nấc cụt kể trên, lòng bạn sẵn sàng mở, và đang có nhã hứng làm một chuyến vào rặng san hô thăm thú, thì dành thời gian bơi lặn cùng mình nha?


/Còn nếu muốn tua nhanh tới review sách thì phần xanh lá gần cuối bài thẳng tiến nhê à lề à lế à lê!


---


Photo by Dino Reichmuth on Unsplash

Phản ứng nóng hổi của mình khi vừa đọc được nửa quyển sách:


Đọc mới nửa cuốn thôi nhưng cảm thấy như bị đốt đít thật sự. Muốn làm ngay một cái plan âm thầm đi vòng quanh thế giới tiếp! Con đường baobab? Con đường cần sa? Con sông phù sa? Gì cũng được luôn! She reminded me of the second deepest yearning in me when travelling - being wowed by the diversity of the world! The things có ở nhà mơ bao nhiêu giấc hay coi bao nhiêu bộ phim tài liệu cũng không thật sự "thấy" được. Trời ơi huhuhu.


Mà làm sao không không có một chị gái người Việt Nam học vị cao ngất và máu điên chảy rần rần trong người cùng lúc như vậy? Hơi bị bảo-tàng-worthy luôn đó! Một sáng thức dậy mắc đi con đường Hồi giáo cái tủm tỉm trùm chăn cười một mình xong đâm đơn xin nghỉ không lương xong làm thiệt? Ủa ê hơi bị thích! Làm nhớ một sáng đẹp trời xách háng đi chích sốt vàng da ghê. Version chó điên diều bay lượn ơi, triệu hồi triệu hồi!


Mỗi trang trung bình mình tô màu hai câu luôn. Mình thích quá. Thích cách chị vất vưởng qua từng nơi chốn bí ẩn nhưng vẫn hổng hiểu sao toàn gặp những người tai to mặt bự? Ủa sức mạnh của nghề nghiệp, network và học vị hả? Ừ một tiếng để có động lực xông vào thế giới academia? So với chuyện kể của Huyền Chip, hội những người xuất hiện trên cung đường của chị nghe "sang" hẳn một bậc. I admire them both just the same nha.


Chị không nghiêng về trải nghiệm cá nhân và những cái cá nhân mình đã thấy đủ khi travel - khám phá giới hạn của bản thân. Chị chỉ kể những câu chuyện chị gặp trên đường thôi. Hướng ra ngoài là chính chứ không tập trung kể những khoảnh khắc đắn đo, do dự, ra quyết định. Nhưng nó vẫn đã. Chuyến đi cũng không thể hiện rõ sự lấy cớ để chứng tỏ bản thân của chị, mà có mùi chừng mực, khiêm tốn, thật sự tò mò và muốn tìm hiểu thế giới nhiều hơn. Con bé mê đi đứng trong mình, chắc cũng đang rục rịch chuyển mình sang giai đoạn này. Đọc tới nước Oman cái khoái chí lắm vì hồi xưa book đại cái vé máy bay từ Kenya qua Ấn mà mình đã quá cảnh ở Muscat, Oman đó. Hồi đó còn có khoảnh khắc trộm nghĩ, thôi hay không thèm leo lên máy bay đi Ấn nữa, mua visa 25$ ở lại Oman chơi luôn cho vui. Lúc đó trong người hơi rệu rã, không chắc làm thiệt. Một sáng đẹp trời ở Kenya còn tìm hiểu về Uzbekistan, định đi nữa, mà again, một mình hơi lười. Trời ơi chắc là mình cũng phải làm một cung rồi! Lần này nhất định chuẩn bị tinh thần sẵn sàng và bền bỉ hơn!


Ả Rập Saudi, Dubai, Oman, Yemen, Li Băng, Syria, mấy tên nước hiện ra như mấy món quà dần được hé mở. Mình thích lắm luôn á, thiệt sự.


--

Giải dịch thuật xuất sắc nhất, hay bài thơ chạm thẳng đến những trăn trở dân tộc trong mình, dù đang nói về một đất nước khác:


Tôi thương đất nước tôi, đầy tín ngưỡng mà chẳng có niềm tin, Chào đón cả kẻ thù, chán chê mải mê, để rồi lại tung hô một bầy xâm lấn khác. Vị cứu tinh vẫn còn trong nôi, mà những kẻ cầm đầu thì rặt một bầy phụ bạc, Đất nước tả tơi, mỗi mảnh vụn hả hê tự xưng vương ở một góc trời. - Khalil Gibran


Gốc:


Pity the nation that is full of beliefs and empty of religion. Pity the nation that welcomes its new ruler with trumpetings, and farewells him with hootings, only to welcome aother with trumpetings again. Pity the nation whose sages are dumb with years and whose strong men are yet in the cradle. Pity the nation divided into fragments, each fragment deeming itself a nation.


---



Sau đây là tập hợp những trích dẫn đậm đặc mà mình thu lụm được trên hành trình du hành cùng tác giả, hì hục đánh máy lại từ sách để khoe. Mình không biết là trích dẫn lại nhiều như thế này cùng một lúc thì có phạm vào luật bản quyền/ đạo văn nào không. Nếu bạn nào biết thì chỉ mình với nhé!

Intro

  • Bệnh nghề nghiệp khiến tôi luôn có xu hướng đào sâu lăn xả vào những ngõ ngách tiểu tiết, giải thích cho ra ngọn ra ngành.

  • Nhưng rồi những câu chữ xuê xoa lại khiến tôi bực bõ vì vấn đề không được nhìn thấu đáo. Và thế là tôi cứ bị ném qua ném lại như một quả lắc đồng hồ bất đắc dĩ.

  • Cuối buổi học, một cậu sinh viên người Irag tình nguyện làm gia sư tiếng Ả Rập cho tôi. Nếu không vì cái vụ công tư phải phân minh thì tôi đã gật đầu cái rụp.

  • Một ông giáo sư người Anh thậm chí còn nửa đùa nửa thật khuyên tôi nên ở nhà đọc sách và làm đúng phận sự của một giảng viên đại học hơn là lang thang tự biến mình thành sinh viên trường đời.

  • Tôi chưa bao giờ ghét ai lâu như George. Ghét hẳn mấy tiếng liền cho đến tận lúc chào ra về sau cả một buổi tối cố sức khiến cho một kẻ thiển cận như George hiểu rằng trên đời có những chuyến đi hoàn toàn không vụ lợi cá nhân. Một thương nhân tầm thường như George không thể tiêu thụ được cái sự thật là một cô gái Việt Nam (rất không liên quan!) đã lao động cực nhọc suốt gần một năm qua, không mua một xu quần áo mới, trở thành một kẻ bủn xỉn vắt cổ chày ra nước để dành tiền cho một chuyến đi nhiều hiểm nguy hơn vui thú, một chuyến đi không hề liên quan gì đến niềm tin tôn giáo của cá nhân cô ấy, cũng không phải do sự đồng thuận văn hoá, hoặc thậm chí cũng chẳng phải đòi hỏi công việc. Một chuyến đi chỉ đơn thuần với một mục đích để hiểu biết, và nếu gặp kẻ cùng kênh thì chia sẻ sự hiểu biết ấy đến mọi người. Đơn giản bởi cô ấy tin rằng Trung Đông không chỉ có thuốc súng mà còn có phấn hoa, không chỉ có chiến trận mà còn có dạ vũ hoan ca.

  • Tôi tin là một khi đặt chân đến Trung Đông, với trái tim này mở toang không che giấu, những người Hồi rồi cũng sẽ mở lòng với tôi - một cô gái Việt Nam vô thần.

Ả Rập Saudi

  • Lần đầu tiên tôn giáo quy định phụ nữ có quyền thừa kế, quyền sở hữu tài sản, quyền ly hôn, thậm chí quyền yêu cầu chồng phải có trách nhiệm không lơ là cuộc sống tình dục với mình (Ả Rập Saudi hồi đó).

  • Có một giọng nói đắc thắng vọng ra từ trong cái đầu tinh quái của tôi: "Ờ! Đấy! Chị Hai này bay được đến đây rồi đấy! Có giỏi thì nhét chị đây quay lại Mumbai đi! Để xem mấy người xử trí vụ này thế nào. Đã đến được đây rồi kiểu gì thì chị cũng cóc sợ!"

  • "Tất nhiên là chỉ có bố, anh em trai và chồng tôi thôi. Ai ngu gì mà cho mấy ông không quen biết xem mặt!"

Dubai

  • Có lẽ chỉ ở Dubai mới tồn tại những máy rút... vàng tự động (!)

  • âm mưu của Toà thánh Vatican

  • Ở Dubai có vài ngày mà tôi hết hồn phát hiện ra mình ăn mặc khác hẳn, mấy cái váy loè loẹt đính kim sa nhựa mua ở Ấn Độ len lén chui tọt vào tận đáy va li. Phải mất một chầu ổn định tư tưởng tôi mới quyết định là nhất nhất không để Dubai tha hoá.

  • Chỉ trong năm 2005 đã có 971 công nhân Ấn Độ lìa đời. Khi con số này được công bố thì Đại sứ quán Ấn Độ nhận trát yêu cầu im miệng và thôi đừng có đếm nữa.

  • Sự thực là càng có xung đột thì người ta lại càng trở nên trung thành đến mức cực đoan với cội gốc văn hoá của chính mình. Điển hình là Dubai.

  • Cuộc khủng hoảng danh tính đang ngấm ngầm cắn rứtxâu xé sự tự tin của nền văn hoá non trẻ Dubai.

  • Dubai buộc phải chấp nhận những thái cực Đông Tây khác biệt.

  • Du lịch gắn liền với sex.

  • Kết quả là những người dân Dubai và cả những kẻ thập phương đến đây cũng bị căng ra, cuốn theo những dòng chảy chéo ngược về hai phía.

  • Lawrence of Arabia.

  • intellectually colonized

  • Cái phiên bản Hồi giáo này nguy hiểm quá, nhất là lại có mùi dân chủ vào nên rất dễ dụ khị tầng lớp thanh niên trí thức đang hoang mang, bế tắc và quẫy đạp. Tức là phải diệt!

Oman

  • Ở Oman đàn ông có nhiệm vụ đi chợ.

  • Cảm nhận của du khách về một đất nước đến từ chính những hành động thái độ nhỏ nhặt hàng ngày của người dân bản xứ.

  • Omanization

  • "Đàn ông Oman toàn bị bắt nạt thôi, trước chỉ có ở nhà mới cần gọi dạ bảo vâng, bây giờ ra đường cũng phải rón rén".

  • Sultan Qaboos thì dám cả gan truất ngôi vua cha, cải cách đất nước.

  • Ngày cuối cùng trước khi rời Oman, tôi gặp Khalid, người đầu tiên cắm cờ Oman trên đỉnh Everest, hiện là cố vấn cao cấp của Bộ Giáo dục Oman.

  • Mỗi lần về nhà bảo bạn bè tao tiêu hết tiền vào đi du lịch thì bị chê là khùng. Tục ngữ có câu "đi một ngày đàng học một sàng khôn" nhưng mấy nghìn năm người Việt chẳng đi qua nổi mấy luỹ tre làng. Hay là tại chiến trận liên miên? Hay là tại tâm tính dân tộc không khát khao thách thức, ưa việc làm nông quanh con trâu cái cày hơn là đóng thuyền vượt trùng khơi, bất chấp thế đất thế nước thiên thời địa lợi, bất chấp thiên nhiên mời gọi giục giã?

  • "Cô là người cầm bút thì sao không viết lấy một bài. Biết đâu mấy bạn trẻ ở Việt Nam sẽ rút kinh nghiệm được điều gì đó từ đất nước chúng tôi?"

  • Tôi cũng không còn thích cái kết đời đời hạnh phúc nữa. Phải có một tí phù thuỷ bạn ạ. Phải có một tí phù thuỷ để chân tay còn biết động đậy, trí óc còn biết đấu tranh, trái tim còn biết phân biệt tốt xấu.

Yemen

  • Sự sai lầm của phần lớn chúng ta là nhận xét về Yemen qua lăng kính văn hoá của chính mình.

  • Một ngày sau cuộc bầu cử ở Yemen, may mắn từ trên trời rơi xuống khiến tôi có dịp được gặp Jamal bin Omar - đại diện tối cao của Liên Hợp Quốc.

  • đối với người Yemen, vũ khí không nhất thiết đi liền với bạo lực.

  • Trước mặt tôi là một tổ hợp những gì đẹp nhất của Tây Lương nữ quốc, Lễ trao giải Oscar, và cung cấm của một vị sultan giàu có trong Nghìn lẻ một đêm. Hàng trăm nữ hoàng sắc đẹp lướt qua trong những bộ váy áo lộng lẫy.

  • Yemen có lẽ là đất nước khiến tôi phải dừng lại lâu nhất để nhìn nhận lại những thành kiến của mình về thế giới Hồi giáo.

  • Đất nước qua đêm dài nhưng ngơ ngác không biết làm gì với ánh sáng tự do.

Li Băng

  • "Tôi thậm chí không muốn nói tiếng Ả Rập, bởi đó là ngôn ngữ của kẻ thua cuộc."

  • "Trung Đông đang loạn, tốt nhất là chuồn".

  • Những người như Gus là động cơ của cỗ máy Li Băng. Họ không tốn nhiều thời gian than trách, thậm chí không nhất thiết phải lựa chọn đúng sai. Điều quan trọng nhất là đứng dậy và tiếp tục bò lên phía trước.

  • Những tháng ngày ở Trung Đông đã dạy tôi một bài học đơn giản mà hữu dụng. Ấy là đôi khi phải quẳng hết cái mớ kiến thức về văn hoá tập tục ở chỗ này chỗ nọ chỗ kia ra vỉa hè.

  • "phương pháp cái gương"

  • Đằng sau anh, kẻ tống tiền chậm rãi rút súng, lên đạn... nhưng không bóp cò. Vì chính hắn mới là người phải ngã quỵ trong cuộc đọ dây thần kinh không cân sức.

  • "Li Băng như cái quả bom nổ chậm ấy. Nhiều lúc cứ phải quên đi mà sống thôi!"

  • Vì thế, thật dễ hiểu vì sao người Li Băng né tránh cả quá khứ lẫn tương lai.

Syria

  • Cái hố ngăn cách và sự thù hằn giữa các cộng đồng phải được giữ ở thế chỉ sôi lăn tăn, chứ ấm áp dễ chịu quá hay nóng bỏng cả tay thì hỏng bét. Một xã hội bị chia rẽ, bị phân hoá, chỉ có nghi ngờ nhau, hằn thù nhau nhưng chưa đến mức xông vào giết nhau là một xã hội dễ cai trị nhất.

Jordan

  • Sex trước hôn nhân là điều cấm kỵ, đi hẹn hò có khi còn bị bố mẹ cử em trai đi theo, trai gái hầu như không bao giờ bắt tay nhau, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 1/3 đám thanh niên ngoạm mồm vào trái cấm.

  • Ở Bahrain, nền công nghiệp hương phấn phát triển tột đỉnh để đáp ứng cho một đội quân đực rựa khát khao nhục dục từ Saudi cứ mỗi cuối tuần lại lái xe qua đường biên giới để bật nút chai giải thoát cái bình hooc môn đàn ông bị đè nén.

  • "hôn nhân tạm thời"

  • Tuy nhiên, một khi mối quan hệ chính thức được xác lập thì tỉ lệ phản bội bạn tình của họ thấp hơn so với các xã hội cổ điển. (Nói về các nước phương Tây).

  • Ấm ức kể lại cho bạn nghe chuyện này, câu đầu tiên cô ta hỏi tôi là: "Thế lúc đó mày mặc gì"? Câu hỏi này lại khiến tôi ba máu sáu cơn nổi điên lên thêm một lần nữa. Tôi ghét cay ghét đắng những lối suy nghĩ hủ lậu như thế này. Trong một xã hội mà cái gì cũng có thể đổ vấy cho con gái, thay vì phải giáo dục thằng đàn ông ngừng suy nghĩ bằng chim và phải tư duy bằng đầu, thì phụ nữ lại được răn dạy là phải che mặt lại, quấn mình vào cái đụp vải đen sì, và tránh đàn ông càng xa càng tốt.

  • Nhưng nghĩ cho cùng, không tự bảo vệ không được. Đơn giản vì nếu không tự bảo vệ mình thì đôi khi những người đầu tiên muốn mình lìa đời chính là gia đình.

  • Câu chuyện gần đây nhất xảy ra ở Dubai khi một phụ nữ Na Uy tố cáo bị hãm hiếp và được yêu cầu phải trình ra bốn nam nhân chứng, nếu không cô sẽ bị tống giam mười sáu tháng. Cả châu Âu làm loạn lên và thế là Dubai sợ quá đành tha bổng.

  • Và có lẽ chỉ những kẻ bị tẩy não hoặc yếu thế cùng đường mới có thể chấp nhận việc trên đời này có khả năng diễn ra một cảnh tượng quái đản đến mức một cô gái bị cưỡng hiếp và có bốn thằng người khác đứng xung quanh, khoanh chân khoanh tay theo dõi với vai trò "nhân chứng".

  • "Xin lỗi anh! Ở Jordan, phẩm hạnh của phụ nữ không đựng trong cái quần xì líp!"

  • Khắp Trung Đông, nhục dục đồng tính là một tập tục xưa như Trái Đất.

  • Tôi rời Jordan, hào hứng kết luận với Rudy là sex ở Trung Đông ngược lại với đá bóng ở Việt Nam. Ở Việt Nam, ai cũng nói về bóng đá, từ trong nhà ra vỉa hè, nhưng chẳng mấy ai đá bóng. Ở Trung Đông, ai cũng bận bịu với những hoan lạc và tội lỗi của sex, nhưng chẳng ai dám mở mồm thốt ra một câu.

Palestine

  • Người Kurd cho đến bây giờ vẫn là dân tộc không quê hương lớn nhất và thảm thương nhất trong lịch sử hiện đại.

  • Quay trở lại thời điểm người Anh đi phân phát lời hứa.

  • Jerusalem như một cái chuồng sắt nơi chúa sơn lâm, vua sư tử và mãnh tướng rồng lửa bị buộc phải sống cùng nhau và chia chác khẩu phần ăn một cách hoà thuận.

  • Còn tôi đứng khóc rưng rức. Nước mắt giàn giụa còn hơn cả bà người Thái khi được hôn lên nơi Chúa chào đời.

  • Tôi khóc vì thấy mình chẳng có một tín ngưỡng để làm nơi bấu víu.

Ai Cập

  • Ông ta lặng lẽ gật đầu và đưa tay ra đỡ tôi trèo vào (à trèo vào cái quan tài của vị Pharaoh nào ấy).

  • Người Ai Cập có lẽ chưa sẵn sàng để chấp nhận rằng dân chủ không phải là cách thức, mà là kết quả của một quá trình lâu dài, của một con đường phát triển gian nan chứ không phải là sự kiện.

Libya

  • Third International Theory

Tunisia

  • Tôi mong trên đời có nhiều cô gái như Maya, được hưởng một nền giáo dục tốt, được có ít nhất mười tám năm cuộc đời để tự cân nhắc, tự so sánh, tự chọn lựa, và tự thực hiện những gì thuộc về niềm tin của cô ấy, kể cả đó là việc trùm lên đầu một chiếc khăn tôn giáo, nhưng đó không phải là chiếc khăn của sự bất bình đẳng hay bị chà đạp, đó là chiếc khăn của trí thức, sự tự tin, và là biểu tượng của nữ quyền.

  • dù kẻ nào thắng hay thua, cuộc chiến lý tưởng cao thấp nào cũng bắt đầu và kết thúc bằng máu xương của dân nghèo.

Ma Rốc

  • Tự cho thế nào là đủ? Dân chủ thế nào là vừa?

Tây Ban Nha

  • đã dạy cho con dân phương Đông sự tôn kính với thánh thần của mình và cả khoan dung với thánh thần của kẻ khác.

Outro - Giờ sao?

  • Báo chí bị cuốn theo cơn lốc cạnh tranh với mục tiêu duy nhất là làm thế nào để thông tin đến tay của tất cả mọi người và chẳng cần làm cho bất kỳ một ai thông thái hơn.

  • Không đơn giản là sự học cao hiểu sâu mà là khả năng họ có thể bước ra khỏi vầng hào quang tôn giáo của chính mình, rồi cùng nắm tay tôi "bay" lên, thoát xác, lơ lửng phía trên những thực thể tôn giáo và văn hoá ấy, nhìn ngắm chúng, thảo luận, tranh cãi như thể nói về một thực thể khoa học mà không sợ bị phạm huý, không sợ vô tình xúc phạm, tổn thương lẫn nhau.

  • Nhưng mà rồi tôi vẫn chọn cách viết, vì không còn gì khổ sở hơn là phải giữ khư khư một câu chuyện luôn cựa quậy đòi được ra đời.

  • "Con chim cất tiếng hót không phải vì nó đã tìm ra được giải pháp cho cuộc đời. Nó hót đơn giản bởi vì nó có một bài hát thôi".

  • Tôi dừng lại đơn giản bởi vì tôi hết tiền. Là chim, tôi xin hứa bao giờ gom góp đủ sẽ tiếp tục bay nốt quãng đường sang phía Đông. Nếu thành công, thì bài tiếp theo sẽ có tựa đề: Đi tìm Taliban.


---



Cuối cùng, đây là phần dài nhất, nơi mình ngồi xuống thong thả cầm lên đặt xuống từng câu chữ, gắn chỗ này, đặt thử chỗ kia, để xem mình mang về gì, đội hình trong mình biến chuyển ra sao sau quyển sách. Mình gọi phần này là 'Con đường Hồi giáo, on a calmer note'. Calm nên trôi lắm, bạn thả lỏng đầu cổ, thả lỏng toàn thân để trôi cùng mình nghen.


Ngồi gõ lại những câu tô màu của mình trong quyển sách, mình nhận ra vì sao mình bị ấn tượng với nó đến vậy.

Vài hôm trước, mình ngồi nói chuyện với Hương trong căn hộ Hiyori của ẻm. Ẻm đang tìm hiểu về thế giới nhãn hàng thượng lưu, dành hết ngày dài chao liệng trong các khoá học duy mỹ trên Masterclass. Bên li sinh tố, Hương háo hức thuật lại cho mình từng khám phá một. Đó là ngày 30/4, trong lúc Hương đã quen với việc xa Sài Gòn và có mẹ ở đây, mình chỉ vừa bỡ ngỡ nhận ra nhờ Modern Family là mình đang nhớ nhà. Lí do sau đó tụi mình cũng đào ra, đó là vì đây là lần đầu tiên mình xa nhà dịp lễ không phải vì đi chơi, mà vì mình đã thật sự đi xây cuộc sống của chính mình. Cuộc nói chuyện tiếp diễn, mình nín thở men theo từng cọng dây suy nghĩ, cảm xúc trong một nỗ lực gọi tên và make sense trạng thái của mình. Đâm sâu hơn cảm giác nhớ nhà, mình chạm được vào manh mối tiếp theo: hai chữ chật chội.

Đà Nẵng nhỏ xíu. Lòng người tuy chân chất đáng yêu nhưng mà, hmm, trong một khía cạnh nào đó thì nó vẫn rất là chút xíu. Rất có thể lỗi do mình chưa đâm sầm đủ lâu đủ sâu để khám phá ra nhiều góc cạnh bí mật khác. Một tỉ phú nào đó đang ẩn dật trong một khuôn viên vườn tược bền vững nuôi những đứa con gần gũi với thiên nhiên chẳng hạn. Một trung tâm mindfulness đi đầu nào đó. Nhưng phần nào đó trong tâm hồn mình than chật. Cái vấn đề là, con người mình chỗ nào cũng ngứa. Cái lúc mà ở Sài Gòn khói bụi thì gầm lên tao thật sự không thể sống thế này được nữa tao cần solitude. Tới lúc mỗi ngày thức dậy có gần hai chục tiếng đồng hồ trong tay, lại bối rối không biết phải làm gì tiếp thì bắt đầu ngứa ngáy, bảo là ở đây thật sự không có gì để động đậy. Thì vấn đề là, hình như mình vừa nạp hơi hơi đủ chỉ tiêu tĩnh lặng của mình rồi, nên con giật mồng cục cựa thức dậy sau một giấc ngủ sâu tính bằng năm kể từ khi mình đặt chân về nhà từ Ấn Độ một năm trước.

Giống như một cái cây khi phát triển, nó đồng thời đâm rễ xuống thật sâu, nẩy thân lên thật cao và toả lá ra thật rộng nhỉ. Đợt rồi mình đã rất tập trung vào việc cắm rễ. Mình chui vô bên trong đào bới, coi ngó, sửa chỗ này, chữa lành chỗ kia, thay cái niềm tin này, lắp đặt cái tư duy nọ, mẫn cán và hì hục như một chú kiến. Nên bây giờ mình thèm xông ra thế giới trở lại. Mình có nhu cầu rướn tới những câu hỏi lớn hơn. Ví dụ như câu của cái cô Mai viết quyển này: Người ta đang làm gì ở Trung Đông đó?

Trở lại cuộc nói chuyện, giữa ngổn ngang những bực bội, bức xúc mình có với những chi tiết tí hin hằng ngày của mình mà mình đang nhíu mày kể lể ra, vừa kể vừa thấy có cái gì đó rất chưa đúng. Hương đặt cho mình câu hỏi triệu đô: Rốt cuộc thì Lu đang cần hiểu chuyện gì?

Mình nghĩ một lát rồi trả lời (phiên bản rút gọn):

  • Quy luật của tiền. Cách 'thu nạp', 'huấn luyện' đội quân tiền trung thành, thiện chiến. Để giàu thật giàu đi, tự do tài chính đi, còn rảnh não nghĩ những chuyện mình thật sự quan tâm.

  • Quy luật chính trị. Rốt cuộc thì chuyện gì đang xảy ra. Tự do của mình mong manh đến mức nào và ở đâu thì tự do ngôn luận, tự do sống cuộc đời của mình thật sự được tạo điều kiện hết mức? Việt Nam?

  • Thế giới academia.

Hương cũng ngồi nghĩ một lát rồi gom lại. Vậy là, tự do tài chính, tự do chính trị, tự do tri thức. Cái theme của Lu nó đậm màu liberation quá ha.

Và chỉ có thế, click, những điều tủn mủn mình dần thấy kì vì mình than phiền hơi lâu bỗng chốc bong ra khỏi mình, trôi tuột đi đâu mất. Ờ, ra bầu trời đó là nơi vòm lá của cây-mình muốn chạm đến.

Thế là mình về đọc quyển này.

Chị là cây cầu nối thật thú vị giữa thế giới scholar (học giả) và thế giới street-smart (khôn ngoan đường phố, lăn lộn, dân dã, đời thường). Chị đặt một câu hỏi và rồi lăn lông lốc ở một nơi chốn, hăm hở tìm kiếm những ẩn để giải những nghiệm quá xa với sự tò mò của một người Việt Nam thông thường. Chị có những dẫn chứng kiến thức, nghiên cứu sâu sắc nhưng cũng không ngại ngần đưa ra những quan điểm cá nhân đôi khi có mùi cực đoan. Chị vừa có những mối quan hệ kim cương nhờ học vị của chị, nhưng cũng có lúc bắt được bạn nhờ chỉ dám xông vào nhà cái người chị mới túm được trên Couchsurfing. Chị là giảng viên đại học hẳn hoi, gõ đầu sinh viên bạch bạch, nhưng không ngại ngần buông bàn giấy/ bàn phím lăn ra thế giới thực để tự mình kiểm chứng những gì mình nghĩ. Sau đó, cũng không ngại ngần điều chỉnh những suy nghĩ/ hình dung đó khi một mẩu của thực thế phản ánh những điều ngược lại. Cách chị sống làm cho tư duy nhị nguyên và những lâu la của nó phải xấu hổ núp đi. Không cần phải chỉ-chọn-một.

Xuyên suốt quyển sách, chị cập nhật những quan sát của mình về tình hình nữ quyền của đất nước chị đang đặt chân đến, những suy nghĩ, những câu chuyện, những con người ở đó. Những góc nhìn trái ngược đến bất ngờ như có những phụ nữ Hồi giáo khinh khỉnh nhìn bọn Tây phóng túng mà thương hại vì không biết giữ gìn phẩm hạnh của mình, trong lúc bọn Tây hoặc lây-Tây thì hết lòng phẫn nộ với việc phụ nữ phải che hết từ đầu xuống chân và ra đường phải có đàn ông đi cùng. Từ đó, góc nhìn của chị được nong ra một tí. Mấy cái đó đó, với mình, là real learning - việc học theo đúng nghĩa của nó.

Chị cũng đụng vô những khái niệm chính trị vốn mình cũng rất quan tâm: dân chủ, độc tài, tự do. Phương Tây tôn thờ và sống chết vì dân chủ, khiến không ít con dân đạo Hồi cũng chiến đấu mang điều đó về với quê hương của mình. Nhưng nhìn từ gốc gác mà nói, nó có thật sự hợp với nền tôn giáo độc thần cuả họ hay không? Và "Tự do bao nhiêu là đủ? Dân chủ bao nhiêu là vừa?". Có những người cầu mong cho mình một nhà độc tài ít-xấu, chứ không phải một nền dân chủ cho dân, vì họ không có nhu cầu tự quyết blah blah mà chỉ cần người ra quyết định cho mình là một người ít ra mình có thể tin tưởng để cứ thế thả lỏng mà làm theo. Vậy thì, đó, như thế nào mới là khôn? Khai phóng để khổ sở cân đo đong đếm từng quyết định hay là tin tưởng rồi nhường cái áp lực đó cho nhà cầm quyền? Âu cũng là định nghĩa và lựa chọn của mỗi người.

Quyển sách không trả lời câu hỏi nào cả, không có những câu trả lời chắc nịch cho bất cứ thứ gì thuộc về thế giới Trung Đông kì bí, nhưng nó cho mình một niềm cảm hứng bất tận của việc dám đặt câu hỏi lớn và dám xông pha cho nó. Cuộc phiêu lưu của chị mang về nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, nhưng ít nhất chị đã lún được con người chị vào đó chín tháng trời, và những gì chị thu lụm được là những thực tế, là những câu chuyện sẽ thấm vào và chảy sâu trong người chị với đa chiều cảm xúc, nghĩ suy, xúc cảm, như là máu. Chính chị đã trải nghiệm nó, không phải là qua quyển sách nào - à, có sự phụ giúp của rất nhiều quyển sách trong quá trình chị nghiên cứu. Mình không chắc là chị muốn đẻ và làm mẹ, nhưng mà thôi không cần chị làm mẹ, việc chị bung xoã như vậy cũng đã đủ để cấy cho vài cái mầm nơi đất mẹ thổn thức. Và biết đâu.

Cuối cùng, chị đã viết. Chị đã hót bài hót của mình giữa khu rừng ngập tràn chim chóc, mỗi chú một bài ca. Nhưng chị vẫn đã lựa chọn hót, 'không phải vì chú chim có câu trả lời, mà là vì nó có một bài hót'. Nhờ cách kể chuyện khùng điên đanh đá hài hước đậm đặc ẩn dụ của chị mà một vựa kiến thức mình cũng không thật lòng muốn tiếp nhận về Hồi giáo đã chảy vào mình mượt như tóc gội bồ kết trong quảng cáo. Mình khá chắc chắn là trong tương lai gần mình sẽ chưa có nhu cầu cầm lên một cuốn sách tôn giáo chính chuyên nào khác. Hiện tại, mình chỉ là tự đắc với mớ kiến thức nếu hông nhờ chị chắc mình hông hề có nhu cầu dọn dẹp sắp xếp đầu óc chừa cho một khu. Nên ừ, hãy cứ hát thôi, giai điệu có quen thuộc thì cách xử lí bài và truyền tải của mỗi ca sĩ cũng khác nhau. Hãy để cho khán giả được lựa chọn. Đừng im bặt chỉ vì cảm thấy bị áp đảo quân số. Nha mình nha lêu lêu lêu hê hê hê.

Ồ, mình vẫn chưa biết làm gì tiếp với cuộc đời mình đâu. Trước mắt, mình định ăn cơm xong khi ông bồ về sẽ lại lăn ra nhõng nhẽo. Mình cũng sẽ lại tưới tắm cho mấy em bé cây mới mọc của mình. Nhất là em bé bạc hà đang hù mình xỉu, dẫu trong tin đồn các anh chị có nguy cơ xỉu thì vẫn có một em bé bạc hà tí hin mới lém lỉnh nhú lên. Mình cũng sẽ lại dạy những bài học mình soạn, hoặc không soạn, hi vọng ít đau đớn hơn một xíu khi nhu cầu của cô trò lâu lâu không khít nhau, lạc quan hơn một chút nữa thì đâu đó trên chặng đường vẫn sẽ điểm, hoặc đầy những phút giây thăng hoa cho cả hai phía. Mình vẫn sẽ khóc, quan sát cảm xúc, vẫn sẽ tức giận, và vẫn sẽ hân hoan, như việc mình đã làm nhiều năm qua và khá tự tin rằng cơ bắp đã thành và cơ thể đã lưu trữ những thông tin, kinh nghiệm cần thiết để có thể chạy tự động được. Mình vẫn sẽ nhăn nhó lí lẽ khi ba gọi điện kể cho mình nghe một mẩu chuyện ba bất bình với ông bạn nhưng đã không nói nhưng rồi ba bực mình ghê. Trời ơi ba ơi. Hức. Ừ đó, nhưng mà, bé bạc hà mới nhú phiên bản mình, em bé của những cuộc phiêu lưu, của những câu hỏi trên trời dưới đất, của những khát khao cháy bỏng bên trong mình để chạm được vào thật nhiều mẩu thế giới, sẽ tự giác tìm đến những nguồn thức ăn dinh dưỡng mà em bé cần để tiêu thụ nhiều hơn, lớn hơn, khoẻ hơn. Rồi biết đâu, một ngày.


Look up, baby, look up.

Méo méo méo meo. Cảm ơn MindTriibe.


---


Photo by Francesco Gallarotti on Unsplash

Cuộc phiêu lưu của chúng ta đến đây là tạm hếttttt hihihi. Cá nhân mình thấy đây là cuốn sách đáng đọc, nhất là mùa dịch ở trong cũi sắt dễ nhớ rừng. Biết ơn vì bạn đã cùng mình bơi đến tận đây. Hẹn gặp lại bạn trong những chuyến du ngoạn sau nhé!


Till next time 🌱

356 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments

Couldn’t Load Comments
It looks like there was a technical problem. Try reconnecting or refreshing the page.
bottom of page